Vấn đề pháp lý trong bất động sản Việt Nam đã làm lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội dẫn đến câu chuyện giá nhà ở tăng cao…
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 “Kinh tế Việt Nam năm 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng tổ chức ngày 17/12/2022, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh.
VƯỚNG PHÁP LÝ, GIÁ NHÀ TĂNG CAO
Các doanh nghiệp “tắc” dòng tiền trầm trọng, thị trường thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Đặc biệt “vướng mắc pháp lý” của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án nhà ở. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể “trượt” vào suy thoái, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng năm 2021 và 50.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022, với lãi suất trung bình là 10,35%/năm.
Đồng tình về vấn đề pháp lý cần phải “gỡ” gấp, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết các nhà đầu tư trong và ngoài nước cực kỳ quan tâm đến pháp lý, vì hiện một dự án bất động sản mất từ 3-5 năm mới hoàn thành thủ tục để triển khai xây dựng. Những vướng mắc về pháp lý trong bất động sản Việt Nam đã làm lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội dẫn đến câu chuyện giá nhà ở tăng cao hơn 30 triệu đồng/m2.
“Trước đây, một dự án định giá sản phẩm 30-40 triệu đồng/m2, nhưng tiền đền bù giải tỏa, tiền sử dụng đất, thủ tục pháp lý kéo dài 3-4 năm… người ta không thể làm một sản phẩm 30-40 triệu đồng/m2 được nữa mà phải lên đến 70 triệu đồng/m2. Đây là câu chuyện thực tế, cái lãng phí xã hội này là sự thật. Bất động sản đang mất dần lợi thế cạnh tranh là do chúng ta tạo ra”, ông Khương nói.
Ngoài ra, vấn đề “tắc dòng tiền” cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho biết các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng năm 2021 và 50.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022, với lãi suất trung bình là 10,35%/năm.
Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (khoảng 115.000 tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi.
Ông Lực cho rằng, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Nguyên do, những vi phạm liên tiếp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm đáng kể, nhà đầu tư cá nhân cũng đã trở nên e ngại hơn sau các vụ việc vừa qua.
Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (trong tháng 10/2022, chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 210 tỷ đồng, giảm 99% so với tháng trước).
Nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này là không nhiều do phải ưu tiên cho sản xuất kinh doanh và trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn khoảng 14-15% để kiểm soát lạm phát và thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng.
Thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn trước, nên huy động vốn qua kênh này còn khó khăn.
Việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng (do thị trường bất động sản đang trầm lắng, phục hồi chậm). Vì thế, một bộ phận doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực bất động sản) có tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời.
PHÂN LOẠI ĐỂ GỠ VƯỚNG NHANH
Nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, nhằm tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường bất động sản, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Nhóm nghiên cứu đề xuất cần rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án (được tiếp tục triển khai, cần tạm dừng, cần điều chỉnh cơ cấu…)
Lập danh mục các dự án rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp… nhằm triển khai hiệu quả đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cần khẩn trương có kết luận các dự án đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để các dự án sớm được triển khai, nhất là các dự án lớn, đẩy nhanh thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ ngay các vướng mắc khó khăn về pháp lý của các dự án thuộc thẩm quyền của địa phương để tạo cú hích và sự lan tỏa…
Các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu thông qua các biện pháp giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường…
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở, giá bất động sản bảo đảm cân đối cung cấu, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và nhu cầu của thị trường.
Với nhóm giải pháp tín dụng, nhóm đề nghị cần tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước; Ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp; tập trung nguồn vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân…
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý đất đai, Tổng cục quản lý đất đai, cho biết để giải quyết được vấn đề pháp lý phải có sự đồng bộ về mặt pháp luật, trong đó có Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản.
Đối với Luật Đất đai, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu báo cáo Chính phủ, và có thảo luận trước hội trường Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có dự thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến nhân dân sau khi đã tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội. Luật Đất đai sẽ sửa theo hướng làm sao khắc phục được những vấn đề của thị trường bất động sản, cũng như những vấn đề liên quan đến thị trường.
Về giải pháp vốn, ông Cấn Văn Lực kiến nghị, Chính phủ có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính – bất động sản; trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời đẩy nhanh nghiên cứu và ban hành khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới, như: Fintech, gọi vốn cộng đồng, mua chung bất động sản, quỹ tín thác đầu tư bất động sản… giúp đa dạng hóa kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp cũng như hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư…
#box1671295904151{background-color:#80c285}#box1671295941467{background-color:#8dc392}