Nhiều cổ phiếu hôm nay có phiên vượt đỉnh giả và bị xả ép xuống, số khác mới “retest” đỉnh ngắn hạn rồi quay đầu. Đó là hiện tượng canh xả âm thầm, dù có thể không khiến giá giảm nhiều so với tham chiếu, nhưng lại thoát được giá tốt và không khiến bên mua sợ hãi…
Nhiều cổ phiếu hôm nay có phiên vượt đỉnh giả và bị xả ép xuống, số khác mới “retest” đỉnh ngắn hạn rồi quay đầu. Đó là hiện tượng canh xả âm thầm, dù có thể không khiến giá giảm nhiều so với tham chiếu, nhưng lại thoát được giá tốt và không khiến bên mua sợ hãi.
Việc giá trồi sụt trong một biên độ hẹp có thể là đang tích lũy, nhưng nếu kéo quá dài mà không tạo được thay đổi thì yếu tố phân phối cần được chú ý. Các chỉ số có thể mới tăng ít, nhưng cổ phiếu khác tăng mạnh gấp nhiều lần biên độ tăng của chỉ số, vì thế hiện tượng giằng co ở chỉ số không đại diện cho tính chất kỹ thuật tương tự ở cổ phiếu.
Trên HSX hôm nay có 34 cổ phiếu đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng và số này chiếm 70% tổng thanh khoản khớp lệnh của sàn. Đây là nhóm có giao dịch lớn và dễ nhìn thấy tác động của cung cầu tới giá hơn, cũng như thanh khoản cao phản ánh quan điểm mua bán đáng tin cậy hơn. Chỉ có 5/34 cổ phiếu nhóm này đóng cửa còn cao hơn tham chiếu, không mã nào đóng cửa tại giá High. LPB, IDI, VNM và MSN là duy nhất trong nhóm này bị ép xuống dưới 3%, còn lại đều bị ép tối thiểu trên 3%.
Về mặt kỹ thuật, khi giá bị ép lùi xuống càng rộng tức là bên bán càng thắng thế áp đảo. Khi kết hợp với thanh khoản, khối lượng tích lũy ở vùng lùi giá đó càng nhiều thì lực bán càng dày. Nếu thanh khoản thấp thì hiệu ứng là do cạn cầu. Các mẫu nến giá kỹ thuật đều có đằng sau một logic về đi lệnh và nến giá chỉ là một diễn giải trực quan. Nếu tính lũy kế khối lượng giao dịch ở vùng dao động bị ép xuống qua thời gian thì có thể ước đoán được quy mô phân phối.
Nói chung hôm nay tình trạng cổ phiếu bị ép giá là phổ biến. Độ phân hóa tăng/giảm so với tham chiếu giảm dần cũng đồng nghĩa với sức ép gia tăng đủ để tạo ra thay đổi với biên độ lớn hơn, khác với việc ép giá trên vùng giá tăng so với tham chiếu. Vẫn giữ quan điểm rằng việc cổ phiếu có thêm một nhịp tăng nữa là bình thường (nhiều mã đi theo mô hình 5 sóng), nhưng biên độ sẽ không cao hơn đỉnh cũ bao nhiêu, thậm chí chỉ là retest đỉnh. Do chiều tăng trước đó (thường là sóng 3) rất mạnh thì nhịp tăng cuối bị hạn chế, nên lợi nhuận lúc này không vượt trội so với rủi ro, thậm chí nguy cơ chọn sai mã còn làm tăng rủi ro.
Việc thị trường/cổ phiếu đã đạt đỉnh ngắn hạn hay chưa thì không rõ, nhưng với các giao dịch đầu cơ, rủi ro cao, lợi nhuận thấp thì tốt nhất là nên hạn chế giao dịch. Với biên lãi dù chỉ ở một sóng tăng – không cần phải bắt đúng đáy – cũng đã vài chục phần trăm rồi, cố kiếm thêm 3%-5% nữa mà phải đánh cược trong tình thế bất lợi thì chỉ có bị “nghiện” giao dịch mới thực hiện. Mọi giao dịch nên có một kế hoạch rõ ràng với tiêu chí rủi ro/lợi nhuận cụ thể và các điểm kích hoạt hành động – có thể là sửa sai, có thể là chốt lời.
Vẫn giữ quan điểm rằng thị trường có thể tiếp tục dao động khó chịu như lúc này và đâu đó vẫn có vài cổ phiếu bùng nổ, nhưng điểm chung là đã khó chơi hơn rất nhiều. Nghỉ ngơi không phải là lực chọn tồi, vì trong giao dịch, cầm tiền không phải mong thị trường giảm để mua rẻ, mà là để giảm rủi ro và chọn “khúc” có xác suất lợi nhuận cao hơn rủi ro, hoặc ít nhất thị trường chuyển trạng thái sang giai đoạn dễ đánh giá hơn.
VN30 hôm nay dao động lớn và dường như chỉ số diễn biến dựa trên basis của F1 vậy. Chỉ số được các trụ đẩy tăng khi basis chiết khấu rất rộng buổi sáng và các trụ ép chỉ số giảm khi basis co lại rất hẹp. VN30 đi trong 2 vùng giá dự kiến đủ rộng là 1062.xx – 1072.xx và 1072.xx – 1079.xx. F1 tạo 3 đỉnh quanh 1072.xx trước khi trụ bị xả buổi chiều.
Các blue-chips bị bán mạnh cuối phiên hôm nay tuy phát đi tín hiệu xấu, nhưng chưa khhiến VN30 phá vỡ vùng dao động đi ngang. Vì vậy khả năng là chỉ số vẫn sẽ bị các trụ lôi kéo và dao động. Chiến lược chủ đạo vẫn là Long/Short linh hoạt dựa trên basis, chuẩn bị kịch bản Short nếu phá vỡ.
VN30 chốt hôm nay tại 1050.22. Cản gần nhất ngày mai là 1057; 1061; 1072; 1079; 1092. Hỗ trợ 1049; 1041; 1035; 1031; 1025; 1017; 1009.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.