Bên cạnh các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm việc làm, nhiều ngành, nghề vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đợt cuối năm, thậm chí một số địa phương cần đến hàng chục nghìn lao động…
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn có hiện tượng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.
BIẾN ĐỘNG LAO ĐỘNG, THIẾU VIỆC LÀM KHÔNG XẢY RA CỤC BỘ
Những tháng cuối năm 2022, trước tác động bởi sự biến động của thị trường quốc tế và trong nước, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ…đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan, số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp đến nay là hơn 600.000 người (khoảng 4% tống số lao động trong doanh nghiệp), trong đó số lao động bị mất việc làm hơn 50.000 người (chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng).
Trong khi đó, để kịp cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các ngày lễ lớn, các đơn hàng năm 2023, nhiều ngành, nghề lại đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đợt cuối năm như: TP. HCM có nhu cầu tuyển 25.000 lao động, Hà Nội có nhu cầu gần 28.000 lao động, Bắc Ninh khoảng 20.000 lao động, Đồng Nai khoảng 12.500 lao động…
Như vậy, ngay tại các địa phương có doanh nghiệp bị giảm đơn hàng vẫn có doanh nghiệp tăng nhu cầu tuyển dụng. Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế xã hội cuối tuần qua, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết qua nắm bắt từ hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm ghi nhận một số địa phương phía Nam có tình trạng doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, một bộ phận người lao động khó khăn là thực tế đang diễn ra, song không phải trên toàn bộ thị trường lao động. Mặc dù vậy, tình hình năm nay có diễn biến phức tạp hơn đòi hỏi phải có các giải pháp hỗ trợ đa dạng.
Theo ông Bình, để hỗ trợ giải quyết việc làm, đòi hỏi hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố cần có sự kết nối thống nhất, chia sẻ với nhau, khi đó các đơn vị, doanh nghiệp thiếu lao động ở địa phương này có thể sang địa phương khác để tuyển dụng.
Ở góc độ vĩ mô hơn, lãnh đạo Cục Việc làm cho rằng cần nhìn nhận thị trường lao động và người lao động, là một yếu tố trong quá trình phát triển kinh tế chứ không chỉ nhìn ở góc độ an sinh. Vì vậy, trong quy hoạch và cơ cấu thu hút đầu tư hiện nay, các địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực và quy hoạch nguồn lực lao động.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng nhận định, hiện rất khó dự báo thị trường lao động trong năm 2023 diễn biến như thế nào, bởi khi xem xét về xu thế của thị trường lao động cần xem xu thế của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới. Tuy nhiên, theo ông Bình, có thể một số ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến gỗ…vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2023, bởi vì sự phục hồi và nhu cầu của thế giới đối với những ngành này chắc chắn chưa thể tăng ngay được, đặc biệt sau khi dịp Nolel và Tết Nguyên đán đã qua đi.
LO KHÓ KHĂN CÒN KÉO DÀI, DOANH NGHIỆP RA SỨC GIỮ LAO ĐỘNG
Từ thực tế địa phương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thừa nhận, tình trạng doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng vẫn song song. Theo thống kê từ đầu tháng 10/2022 đến nay, trên địa bàn có gần 200 doanh nghiệp có đăng ký tuyển dụng với trung tâm dịch vụ việc làm, với số lượng hơn 4.700 lao động. Trong đó khu vực Thuận An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng hơn các khu vực còn lại.
Về tình hình cắt giảm lao động, theo ông Tuyên, nhìn chung các doanh nghiệp trên có giảm đơn hàng từ nước ngoài, dẫn đến phải giảm giờ làm của người lao động, một số trường hợp phải hoãn hợp đồng không hưởng lương, nhưng chủ yếu xảy ra ở ba nhóm ngành hàng là chế biến gỗ, da giày, dệt may.
“Tình trạng giảm giờ làm là có, trước đây người lao động làm 6 ngày/tuần thì nay chỉ còn từ 5 đến 5 ngày rưỡi. Tuy nhiên hiện các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng để giữ việc làm cho người lao động, số tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương nay phần lớn đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp khác. Còn số lao động mất việc theo dữ liệu chúng tôi đối chiếu với cơ quan bảo hiểm xã hội so với mọi năm có tăng nhưng chỉ cao hơn đôi chút”, ông Tuyên thông tin.
Mặc dù vậy, ông Tuyên nhấn mạnh ngoài 3 nhóm ngành giảm đơn hàng, các lĩnh vực khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là lao động có tay nghề, vấn đề là cần thống kê rà soát tình hình lao động ở các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để có hướng điều tiết các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng. “Đây cũng là cơ hội để người lao động học hỏi, tiếp tục nâng cao tay nghề, nếu có tay nghề tốt chúng ta không sợ mất việc, nếu mất việc này chúng ta có thể chuyển đổi chỗ làm hay tìm công việc mới”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Dự báo trong năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn về đơn hàng trong quý 1, song ông Tuyên nhận định việc sa thải lao động hàng loạt sẽ không có mà chỉ có cắt giảm cục bộ trong một số nhóm nghành hàng, doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thừa nhận, bên cạnh tình trạng doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng phải cắt giảm lao động vẫn xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ tại một số ngành nghề, địa phương. “Vì vậy cần đưa ra các biện pháp cụ thể, đúng trọng tâm, đúng đối tượng, đặc biệt là lưu ý các đối tượng lao động dễ bị tổn thương”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
Tổng thư ký VCCI cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang cố gắng để duy trì lực lượng lao động, bởi có thể thời gian này thiếu đơn hàng nhưng sau khi khôi phục lại chắc chắn các doanh nghiệp sẽ cần nguồn lao động lớn.
“Qua nắm bắt của chúng tôi, hiện các doanh nghiệp đều không tổ chức làm thêm giờ, phải giảm giờ làm việc trong tuần từ 48 giờ còn 23 – 24 giờ, khuyến khích người lao động nghỉ hết ngày phép của mình, thậm chí cho người lao động nghỉ việc hưởng lương tối thiểu hoặc cho nghỉ Tết sớm”, bà Lan Anh nói.