Một công nghệ AI mới có thể dự đoán nguy cơ tắc tĩnh mạch võng mạc. Các nhà nghiên cứu cho biết, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để phát hiện các nguy cơ đau tim và đột quỵ.…
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát hiện những thay đổi trong võng mạc, một yếu tố bước ngoặt trong việc giúp hàng triệu người tránh bị mất thị lực hoặc mù lòa.
Được phát triển trong quá trình nghiên cứu kéo dài 3 năm của Đại học Monash (Úc), mô hình học sâu về võng mạc được cho là sẽ giúp các bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe phát hiện và dự đoán nguy cơ tắc tĩnh mạch võng mạc (RVO), một hiện tượng xảy ra khi cục máu đông chặn các tĩnh mạch nhỏ trong võng mạc của mắt.
Ngoài việc phát hiện những thay đổi ở võng mạc, công nghệ AI này còn có khả năng dự đoán nguy cơ đau tim và đột quỵ bởi võng mạc được kết nối rất chặt chẽ với các bộ phận khác của cơ thể thông qua hệ thống thần kinh trung ương.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí uy tín Eye, được thực hiện bởi Monash Medical AI Group, nằm trong Trung tâm Nghiên cứu Điện tử Monash của trường đại học cùng tên.
Phó giáo sư Zongyuan Ge, tác giả của nghiên cứu, đồng thời là Nghiên cứu viên cấp cao tại Khoa Kỹ thuật điện và máy tính của Đại học Monash, cho biết RVO là bệnh về võng mạc phổ biến thứ hai trên thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 16 triệu người. Nếu được chẩn đoán quá muộn hoặc không được điều trị, nó có thể dẫn đến mất thị lực, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng là mù lòa. Hiện tượng này có thể xảy ra nếu tĩnh mạch mắt quá hẹp và có nhiều khả năng xuất hiện ở những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc mức cholesterol cao.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã xây dựng một mô hình AI có thể phân biệt hơn 10.500 hình ảnh đáy mắt được thu thập từ Trung tâm Y học Hoa Tây thuộc Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc). Những hình ảnh này được chụp từ cả bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch võng mạc và những người không bị mắc bệnh.
Phó giáo sư Ge cho biết trí tuệ nhân tạo trước đây tập trung vào các bệnh về mắt truyền thống như bệnh võng mạc tiểu đường, tăng nhãn áp hay đục thủy tinh thể, rất hiếm có nghiên cứu liên kết hình ảnh đáy mắt với các yếu tố thể hiện nguy cơ bệnh thần kinh và hệ thống.
“Chúng tôi tin rằng nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp nâng cao hiểu biết về những gì AI thực sự có thể làm trong chẩn đoán và quản lý bệnh”, ông Zongyuan Ge chia sẻ.
Hàng trăm nghìn mẫu dữ liệu đã được sử dụng để đào tạo mô hình AI và cho phép đưa ra các dự đoán có độ chính xác cao. Công nghệ này được cho là một công cụ mạnh mẽ để giúp các bác sĩ và bác sĩ lâm sàng dự đoán nguy cơ mắc RVO cũng như các bệnh tim mạch và mạch máu não khác như đột quỵ trong tương lai, ngay cả khi họ không chuyên về lĩnh vực đó. Tất cả những gì họ cần là một máy chụp đáy mắt và một nền tảng điện toán đám mây được tích hợp với thuật toán AI.
Phó giáo sư Ge cho biết: “Chúng tôi cũng hy vọng thuật toán sẽ giúp bệnh nhân kiểm tra sức khỏe với chi phí rẻ hơn, có thể từ 20 – 40 USD so với chi phí thông thường khoảng 3.000 USD cho một lần chụp MRI ở các nước phát triển”, Phó giáo sư Ge cho biết
Các chuyên gia hy vọng nghiên cứu này sẽ sớm được thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, Úc, Anh và Mỹ.