Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt xấp xỉ 77.800 MW, tăng gần 1.400 MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165MW chiếm tỷ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện…
Ngày 21/12/2022, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị, Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chi phí nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất điện, nhưng EVN vẫn đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
NỖ LỰC TIẾT GIẢM CHI PHÍ… VẪN LỖ TRÊN 31 NGHÌN TỶ ĐỒNG
Nội dung chính
Theo đó, trong năm 2022, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 268,4 tỷ kWh, tăng 5,26% so 2021. Trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 261,2 tỷ kWh, tăng 6,08%. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 45.434 MW, tăng 4,41%. Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 242,3 tỷ kWh, bằng 99,97% kế hoạch và tăng 7,53% so với năm 2021.
Trong công tác đầu tư xây dựng, giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn năm 2022 ước đạt 89.305 tỷ đồng, bằng 92,5% kế hoạch; Giá trị giải ngân đạt 88.225 tỷ đồng, bằng 91,4% kế hoạch.
Về lưới điện, cả năm 2022, EVN và các đơn vị đã khởi công 191 công trình, hoàn thành 183 công trình 110-500kV. Đối với cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo, xã đảo tiếp tục được chú trọng, trong đó đã đưa vào vận hành đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc, đang triển khai thủ tục đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo.
Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.
Về doanh thu, tổng doanh thu năm 2022 của EVN ước đạt 460.700 tỉ đồng, tăng 4,31% so với 2021, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỉ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Giá trị nộp ngân sách năm 2022 toàn tập đoàn ước đạt 22.500 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, mặc dù EVN đã vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc cấp than sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, giá than thế giới tăng cao, nguồn nhập khẩu hạn chế, nên tồn kho thấp trong khi giá than nhập khẩu tăng 1,35 lần so với năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Để ứng phó, EVN đã tập trung tiết giảm chi phí, thực hiện các giải pháp về quản trị; trong đó, tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương chỉ bằng với 80-90% mức lương bình quân năm 2020… nên giúp tiết giảm 9.700 tỉ đồng.
Tập đoàn cũng tối ưu hóa dòng tiền được hơn 7.900 tỉ đồng gắn với vận hành tối ưu hệ thống điện, ưu tiên huy động các nguồn giá rẻ giúp giảm gần 15.845 tỉ đồng. Nhờ đó, giúp cho EVN tiết giảm được chi phí là 33.445 tỉ đồng.
Tuy vậy, theo EVN, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến. Do đó, kết quả năm 2022 dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.
SỚM GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN
Xác định năm 2023 là năm quan trọng có tính bản lề để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết sẽ tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo các dự án đầu tư nguồn lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; đẩy nhanh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện 8), sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, xem xét sửa đổi các nghị định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước huy động các nguồn vốn.
EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện để thúc đẩy tiến độ các công trình điện.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận những nỗ lực của EVN trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.
“Năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với EVN khi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là nguồn nhiên liệu năng lượng sơ cấp, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện biến động và tăng vọt, làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao. Những yếu tố tiêu cực này đã ảnh hưởng lớn đến việc cân đối tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của EVN. Trong bối cảnh đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và người lao động toàn tập đoàn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn và vượt qua thách thức để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng mà Đảng, Chính phủ đã giao cho EVN”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh.
TẬP TRUNG VÀO 6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Về nhiệm vụ đặt ra cho EVN trong năm 2023, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng là hết sức nặng nề trên cả 2 khía cạnh là đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển chung của đất nước, EVN cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là tập đoàn nhà nước đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, đảm bảo khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, tài chính, quản trị,… Nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động.
Thứ ba, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản trị, đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin với mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số.
Thứ tư, đảm bảo việc đầu tư, xây dựng các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.
Thứ năm, tiếp tục cơ cấu lại tập đoàn, cơ cấu lại danh mục đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
Thứ sáu, tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với chiến lược phát triển EVN và định hướng tái cơ cấu ngành Điện để phát triển bền vững.
“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành cùng với EVN và hỗ trợ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các giải pháp cân bằng tài chính; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai có hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và giai đoạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025, cũng như việc sửa đổi các quy chế, Điều lệ của EVN. Đồng thời, Ủy ban sẽ chủ động, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất với lãnh đạo Đảng, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giúp EVN phát triển, ổn định”, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của EVN trong năm 2023:
– Sản lượng điện thương phẩm: 251,1 tỷ kWh.
– Kế hoạch vốn đầu tư: 94.860 tỷ đồng.
– Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: không vượt quá 6,15%.
– Độ tin cậy cung cấp điện: chỉ số SAIDI (thời gian mất điện bình quân của khách hàng/năm) không quá 318 phút.
– Năng suất lao động tăng trên 8%.
– Đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
#box1671634899351{background-color:#aef4b4}