Mặc dù tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2022 nhưng ngành bưu chính vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như cạnh tranh không lành mạnh, cung cấp dịch vụ bưu chính dưới giá thành…
Báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2022 ước đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021 và vượt 2,5% kế hoạch đề ra của năm 2022.
Lũy kế số tài khoản được active trên 2 sàn thương mại điện tử PostMart và VoSo đến tháng 11/2022 đạt 7,5 triệu tài khoản, tăng gấp 7 lần so với năm 2021. Lũy kế số lượng giao dịch trên 2 sàn PostMart và VoSo đến tháng
11/2022 đạt 1.289.439 giao dịch, tăng 16 lần so với năm 2021.
Mặc dù ngành bưu chính đạt tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2022 nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, còn nhiều khó khăn, vướng mắc đối với ngành này, như tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm giá, khuyến mại, chiết khấu để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, thậm chí dưới giá thành, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bưu chính trên thị trường.
Số lượng doanh nghiệp bưu chính mới ra nhập thị trường tăng 12% nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ bưu chính chuyển phát, đặc biệt là chuyển phát cho thương mại điện tử, được cải thiện nhờ ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, còn hiện tượng hàng lậu, hàng cấm được gửi qua đường bưu chính.
Trước những khó khăn trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để thực thi nghiêm các quy định của Luật Cạnh tranh đối với các doanh nghiệp bưu chính, xử phạt nghiêm các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, bán dưới giá thành, khuyến mại vượt quá thời gian theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi điều kiện cấp phép đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bưu chính và chất lượng dịch vụ bưu chính, đảm bảo an toàn, an ninh bưu gửi.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời vi phạm của các doanh nghiệp bưu chính nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, tập trung đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp bưu chính, kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chuẩn cần thiết; Nghiên cứu, học tập các kinh nghiệm quốc tế phù hợp trong lĩnh vực bưu chính để có thể áp dụng tại Việt Nam, làm cho bưu chính Việt Nam hội nhập sâu, rộng với bưu chính thế giới.
Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ đánh giá chất lượng dịch vụ bưu chính công ích và ngoài công ích; Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về cạnh tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá cước bưu chính.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ xây dựng Cổng dữ liệu bưu chính; Triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; Hoàn thành Báo cáo nghiên cứu xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi; Tổ chức Diễn đàn hợp tác và phát triển bưu chính Việt Nam 2023.
Đối với kế hoạch trung hạn 2023 – 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bưu chính số 49/2010/QH12 ngày 17/6/2010 của Quốc hội; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính giữa các doanh nghiệp bưu chính; Hoàn thiện Cổng dữ liệu bưu chính; hệ thống báo cáo trực tuyến có kết nối với các doanh nghiệp bưu chính.
Song song đó, Bộ cũng sẽ xây dựng công cụ giám sát trực tuyến, triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 tại địa phương. Đặc biệt, chuyển đổi số dịch vụ bưu chính, phát triển các dịch vụ bưu chính số, xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ bưu chính tới tất cả các hộ gia đình và người dân.
Định hướng đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ bưu chính tới tất cả các hộ gia đình và người dân. Khả năng tiếp cận phổ cập dịch vụ đạt tối thiểu 50 bưu gửi/đầu người; 100% điểm phục vụ có người phục vụ và có kết nối Internet để hỗ trợ việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình có địa chỉ số.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính chuyển phát phục vụ thương mại điện tử đạt trên 30%/năm. Đặc biệt, xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính trong nhóm 6, là nhóm các nước có chất lượng, hiệu quả dịch vụ bưu chính phát triển nhanh và bền vững.