Nhiều bộ, ngành đồng thuận với Bộ Giao thông vận tải về phương án đề xuất giao dự toán cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, tháo gỡ ách tắc giao vốn bảo trì như thời gian qua…
Bộ Giao thông vận tải vừa có thông báo về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết dự thảo Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư được Bộ Giao thông vận tải xây dựng, nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiều lần.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp mời các bộ, ngành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thống nhất nội dung trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, cho hay đến nay, các bên liên quan đều thống nhất cao việc giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến hết năm 2030, phù hợp với điều kiện thực tiễn triển khai công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong thời gian vừa qua.
Cùng với đó, các bộ, ngành đều thống nhất do đặc thù của hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện tại là đường đơn, công tác quản lý, bảo trì phải thực hiện thường xuyên, liên tục để bảo đảm an toàn công trình, an toàn chạy tàu nên việc triển khai thực hiện cần tập trung thống nhất và đảm bảo nguyên tắc đơn vị nào làm tốt nhất thì giao cho đơn vị đó thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Các cơ quan đều cơ bản đồng thuận với Bộ Giao thông vận tải về phương án dự kiến đề xuất giao dự toán cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư. Bộ Tài chính có ý kiến xem xét để phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các pháp luật khác có liên quan.
Đối với các phương án liên quan đến công tác tổ chức, quản lý bảo trì và giao dự toán bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, các bộ, ngành đều thống nhất rằng các phương án được Bộ Giao thông vận tải xây dựng đều có những vướng mắc khác nhau về quy định của pháp luật.
Chẳng hạn, đối với phương án Bộ Giao thông vận tải kiến nghị giao dự toán cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chủ yếu vướng mắc liên quan đến luật ngân sách.
“Trên cơ sở quá trình nghiên cứu hoàn thiện nội dung đề án, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất đối với nội dung nêu trên trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, lãnh đạo Bộ cho hay.
Đối với nội dung xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát lại toàn bộ các vướng mắc, bất cập, báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Trên cơ sở báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam giao Vụ Tài chính hướng dẫn xử lý nội dung nêu trên.
Bộ Giao thông vận tải cũng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu văn bản Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải uỷ quyền cho Cục Đường sắt Việt Nam phê duyệt phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ kỳ điều chỉnh năm 2022 và năm 2023.
Câu chuyện ách tắc vốn khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra từ năm 2020 đến nay, khiến công tác giải ngân nguồn kinh phí duy trì hoạt động, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt gặp nhiều vướng mắc về cơ chế giao vốn.
Cụ thể, năm 2020, việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đột ngột bị gián đoạn. Bởi Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam đứng ra tổ chức triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện công tác bảo trì năm 2020 khoảng 2.800 tỷ đồng.
Lý do được Bộ Giao thông vận tải đưa ra là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 10/2018, không còn là đơn vị trực thuộc nên không thể tiếp tục được giao vốn như thông lệ, khi đối chiếu theo các quy định của Luật Ngân sách.
Năm 2021 việc giao vốn cũng gặp vướng mắc, gây chậm trễ trong việc ký hợp đồng đặt hàng với 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt, khiến doanh nghiệp không được ứng vốn, gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ lương người lao động.