Giám đốc điều hành Anthony Tan của Grab cho biết “hơn bao giờ hết”, nhân viên của Grab “cần áp dụng tư duy tiết kiệm và thận trọng khi chuẩn bị cho năm 2023″…
Grab, công ty gọi xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á, đang triển khai các biện pháp cắt giảm chi phí để đối phó với bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều bất ổn, giám đốc điều hành của công ty có trụ sở tại Singapore đã chia sẻ như vậy trong một bản ghi nhớ với nhân viên.
Theo hãng tin Reuters, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Anthony Tan của Grab cho biết các biện pháp cắt giảm chi phí bao gồm đóng băng hầu hết các hoạt động tuyển dụng, không tăng lương cho các nhà quản lý cấp cao, đồng thời cắt giảm ngân sách đi lại và chi phí.
Những thông tin trên đã được đại diện Grab xác nhận. Trong khi đó, trả lời các câu hỏi của trang Channel News Asia, một phát ngôn viên của Grab nói rằng công ty đã xem xét kỹ lưỡng các chi phí của mình và đang thực hiện “các bước chủ động” để chuẩn bị cho những tình thế “không chắc chắn” vào năm 2023.
“Chúng tôi cam kết thực hiện các kế hoạch của mình hướng tới tăng trưởng bền vững, có lợi nhuận,” người phát ngôn Grab cho biết.
Mặc dù Grab đã cố gắng ngăn chặn khả năng thua lỗ bằng cách đóng cửa một số đơn vị kinh doanh trong năm nay và giảm các ưu đãi, nhưng những động thái mới nhất cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề và Grab đang chuẩn bị đối phó với các điều kiện khó khăn hơn vào năm 2023.
Grab, một cái tên quen thuộc ở 8 quốc gia Đông Nam Á mà thương hiệu này đang hoạt động, có khoảng 8.800 nhân viên vào cuối năm ngoái.
Tháng trước, Grab đã nâng dự báo doanh thu năm 2022, báo cáo khoản lỗ hoạt động được điều chỉnh hẹp hơn và cho biết hoạt động kinh doanh giao đồ ăn và tạp hóa của họ đã hòa vốn 3/4 so với kỳ vọng của công ty.
Grab và các đối thủ như GoTo Gojek của Indonesia hay Tokopedia đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ các dịch vụ giao đồ ăn trong đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và các doanh nghiệp gọi xe vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch.
Các công ty cũng đang bị ảnh hưởng bởi chi phí tăng mạnh trong khi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở các thị trường trọng điểm.
GoTo đã thông báo sa thải 1.300 công nhân, tương đương 12% lực lượng lao động vào tháng 11, gia nhập làn sóng các công ty công nghệ cắt giảm chi tiêu trên toàn cầu. Công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á Shopee cũng đã cắt giảm việc làm ở nhiều quốc gia khác nhau và đóng cửa một số hoạt động ở nước ngoài khi công ty mẹ Sea phải vật lộn với thua lỗ.
Giá cổ phiếu của Grab đã giảm một nửa trong năm nay, trong khi GoTo đã giảm 75% trong bối cảnh bán tháo toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ và các nhà đầu tư lo ngại về lợi nhuận và tăng trưởng chậm hơn.
Vào tháng 9, Giám đốc điều hành của Grab, Alex Hungate, nói với Reuters rằng công ty không lên kế hoạch sa thải hàng loạt. Thay vào đó, Grab sẽ tuyển dụng có chọn lọc, đồng thời kiềm chế tham vọng dịch vụ tài chính của mình.
Tan cho biết trong bản ghi nhớ rằng Đông Nam Á đã và sẽ không thoát khỏi tình trạng giá cả và lãi suất tăng cao, cũng như những tác động kéo theo đối với tăng trưởng.
Grab cũng sẽ “đóng băng phần lớn các yêu cầu tuyển dụng”. Ngoài ra, các nhà quản lý cấp cao sẽ không được tăng lương trong các lần đánh giá sắp tới của họ, ngân sách chi phí và đi lại sẽ giảm thêm 20%.
“Không có quyết định nào trong số này là dễ dàng. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực trở nên gọn gàng và cân đối hơn, khi tăng tốc nhanh hơn nữa và hướng tới tăng trưởng bền vững, có lợi nhuận”, Tan nói và cho biết thêm rằng “hơn bao giờ hết”, nhân viên của Grab “cần áp dụng tư duy tiết kiệm và thận trọng khi chuẩn bị cho năm 2023”.