Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang nỗ lực không chỉ để duy trì sự tồn tại mà còn gia tăng vai trò và ảnh hưởng của mình. Mới đây, cuộc gặp giữa bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên G20 tại Nam Phi đã kết thúc với một tuyên bố chung, đánh dấu một thành tựu quan trọng.
Các cuộc xung đột bạo lực, căng thẳng về địa chính trị và thương mại, gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mức độ vay nợ cao và thời tiết khắc nghiệt đang là những thách thức lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới, theo nhìn nhận của G20. Trước những thách thức này, các bên tham dự đã nhất trí tăng cường điều tiết vĩ mô thích hợp để thúc đẩy tăng trưởng bền vững lâu dài, mở rộng hành lang tài chính để thúc đẩy đầu tư công và đầu tư của tư nhân, tiến hành cải cách nhằm gia tăng năng suất và bảo vệ tính độc lập về chức năng của các ngân hàng trung ương.
Các thành viên G20 cũng đạt được sự nhất trí về việc thúc đẩy cải tổ hệ thống tài chính quốc tế để giảm rủi ro cho các hoạt động tài chính và hậu thuẫn hiệu quả hơn cho các quốc gia gặp khó khăn, vay nợ nhiều. Đồng thời, họ cũng thảo luận về việc áp dụng các loại thuế quốc tế sao cho thật sự công bằng. Tại cuộc gặp này, các bên tham gia cũng khẳng định cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương và tăng cường vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel đã tổ chức họp báo sau cuộc họp, nhấn mạnh sự đồng thuận quan điểm về những ý tưởng và đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tự do hóa thương mại và thúc đẩy đầu tư.
Đáng chú ý, việc G20 nhấn mạnh cần bảo vệ tính độc lập trong hoạt động của các ngân hàng trung ương được xem là phản ánh sự bất bình trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hạ lãi suất và công khai yêu cầu chủ tịch FED từ chức. Tuy nhiên, nhóm này cũng tránh đối đầu ông chủ Nhà Trắng khi không sử dụng cụm từ thuế quan bảo hộ thương mại mà dùng căng thẳng thương mại.
G20 buộc phải nỗ lực đạt được nhiều kết quả ở cuộc gặp này để tạo sự đã rồi trong định hướng và chuẩn bị dư luận cho chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao sắp tới. Sau Nam Phi sẽ đến lượt Mỹ đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên G20. Khi ấy, Mỹ sẽ theo đuổi chương trình nghị sự riêng chứ không tiếp nối chương trình nghị sự của Nam Phi. Do đó, G20 phải nỗ lực để củng cố và đạt được nhiều tiến triển, khiến Mỹ rất khó hoặc không thể đảo ngược những thành quả ấy khi làm chủ tịch luân phiên nhóm.