Các nhà phân tích nói rằng giá vàng đã được trao một cơ hội để bứt phá khi đồng USD tụt giá, thậm chí khuyến nghị “nên mua vàng khi bước sang năm 2023, vì thị trường đang đặt cược vào khả năng kinh tế Mỹ suy thoái và cùng với đó là một sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed”…
Giá vàng thế giới tăng mạnh khi đồng USD giảm giá sau một động thái gây bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Giá vàng miếng trong nước sáng nay (21/12) vượt 67 triệu đồng/lượng, trong khi giá USD ngân hàng đi xuống sau mấy ngày tăng mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 30,9 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,7%, đóng cửa ở mức 1.819,4 USD/oz. Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.818,6 USD/oz, giảm 0,8 USD/oz so với chốt phiên Mỹ – theo dữ liệu từ trang Kitco.
Mức giá này của vàng thế giới tương đương hơn 52,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 200.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,95 triệu đồng/lượng và 53,8 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,35 triệu đồng/lượng và 67,15 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng.
Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,8 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 15,4 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Sự thu hẹp khoảng cách chênh lệch này phản ánh rằng giá vàng trong nước tăng ít hơn so với giá vàng thế giới.
Đồng USD rớt giá sau khi BOJ ngày 20/12 gây sốc khi điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC) bằng cách nới rộng biên độ cho phép của lợi suất. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm dưới mốc 104 điểm khi đóng cửa phiên ngày thứ Ba, từ mức 104,6 điểm của phiên trước. Sáng nay, chỉ số hồi nhẹ, lấy lại mốc 104 điểm.
Nhà phân tích cấp cao Han Tan của Exinity nói rằng giá vàng đã được trao một cơ hội để bứt phá khi đồng USD tụt giá. Ông Tan nhận định “nếu đồng USD tiếp tục giảm giá, vàng có thể vượt ngưỡng kỹ thuật 1.824,5 USD/oz và bước vào một cuộc tăng mới”.
Ông Tan cũng khuyến nghị nhà đầu tư “nên mua vàng khi bước sang năm 2023, vì thị trường đang đặt cược vào khả năng kinh tế Mỹ suy thoái và cùng với đó là một sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed”.
Giá vàng thế giới đã giảm hơn 260 USD/oz kể từ mức đỉnh trên 2.000 USD/oz vào tháng 3, và nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này là việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát.
“Trên biểu đồ kỹ thuật, 1.800 USD/oz tiếp tục là một vùng khó khăn đối với giá vàng. Từ tháng 8 tới nay, giá vàng đã nhiều lần không giữ được ngưỡng này. Nhưng hiện tại, có vẻ như lực cản đối với khả năng tăng của giá vàng ở ngưỡng 1.800 USD/oz đã giảm bớt đi”, nhà phân tích Daniela Hathorn của Capital.com nhận định.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust có phiên mua ròng thứ ba liên tiếp, gom 1,8 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên 913,9 tấn vàng. Sau một thời gian bán ròng liên tiếp, “cá mập” này gần đây rục rịch mua ròng vàng. Trong vòng 2 phiên đầu tuần, quỹ mua 3,5 tấn vàng.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc – nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới – đang trong giai đoạn trầm lắng do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh kể từ khi nước này nới lỏng các hạn chế chống dịch.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.610 đồng (mua vào) và 23.890 đồng (bán ra), giảm 10 đồng so với sáng qua, sau khi tăng 180 đồng trong vòng 2 ngày.