Liên minh Châu Âu (EU) vừa thông qua quyết định giảm trần giá dầu Nga từ 60 xuống 48 USD mỗi thùng, như một phần của gói trừng phạt mới đối với Moscow. Mức giá này được 27 quốc gia thành viên EU thống nhất vào ngày 18/7, sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất giảm trần giá dầu từ 60 USD xuống 45 USD.
Quyết định này nhằm vào nguồn thu năng lượng của Nga, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine đã kéo dài hơn một năm. Mức trần giá dầu 60 USD mỗi thùng được châu Âu và các đồng minh phương Tây thiết lập vào năm 2023, phần lớn mang tính biểu tượng vì hầu hết dầu thô Nga được bán với giá thấp hơn. Tuy nhiên, quy định này được duy trì để áp dụng khi giá dầu tăng.
Trong đợt giảm trần giá dầu lần này, EU kỳ vọng thuyết phục các nước G7 cùng tham gia để mở rộng phạm vi tác động. Tuy nhiên, do xung đột ở Trung Đông đẩy giá dầu leo thang, nên chính quyền Trump không tham gia. Hiện giá dầu Brent và WTI đang giao dịch quanh mốc 70 USD và 68 USD mỗi thùng.
Quyết định giảm trần giá dầu nằm trong loạt biện pháp trừng phạt được EU thông qua hôm 18/7. Chúng bao gồm việc cấm các giao dịch liên quan đến đường ống Nord Stream giữa Nga và Đức. Nhà máy lọc dầu của tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga tại Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, gói trừng phạt mới còn nhắm vào lĩnh vực ngân hàng của Nga, nhằm hạn chế khả năng huy động vốn hoặc thực hiện các giao dịch tài chính của Điện Kremlin. Hai ngân hàng Trung Quốc đã được thêm vào danh sách hạn chế.
Theo Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại Kaja Kallas, đây là một trong những gói trừng phạt mạnh nhất của EU đối với Nga cho đến nay. Thông điệp rất rõ ràng: Châu Âu sẽ không lùi bước trong việc ủng hộ Ukraine. EU sẽ tiếp tục gia tăng áp lực cho đến khi Nga chấm dứt xung đột.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, EU đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt đối với Nga. Hơn 2.400 quan chức và thực thể của Nga bị đóng băng tài sản và cấm đi lại.
Gần đây, lệnh trừng phạt ban hành ngày 20/5 nhắm vào đội 200 tàu chở dầu của Nga. Hôm 18/7, thêm 105 tàu được bổ sung vào danh sách, nâng tổng số tàu bị chặn khỏi cảng, âu thuyền và các hoạt động vận chuyển ở châu Âu lên hơn 400.
Châu Âu ngày càng gặp khó trong việc đạt đồng thuận cho các gói trừng phạt mới, vì các biện pháp nhắm vào Nga cũng gây tổn hại đến nền kinh tế của 27 quốc gia thành viên. Slovakia đã trì hoãn gói trừng phạt mới nhất do lo ngại Nga ngừng cấp khí đốt, vốn là nguồn cung chủ yếu của nước này.