Trang chủ Tiêu điểm Logistics xanh: Cần chính sách hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách thực tiễn

Logistics xanh: Cần chính sách hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách thực tiễn

bởi Linh

Trong bối cảnh thị trường kinh tế toàn cầu biến động và cạnh tranh ngày càng gay gắt, logistics xanh đang trở thành chiến lược sống còn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai logistics xanh vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều kiện sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển
Điều kiện sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

Chuyển đổi xanh trong hoạt động logistics không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, quyết định sức cạnh tranh và thậm chí là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập toàn cầu. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics toàn cầu. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn cách khá xa chính sách.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều rào cản trong việc triển khai logistics xanh, bao gồm chi phí cao, thiếu thông tin và chính sách hỗ trợ. Để thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tối ưu hóa quy trình vận hành, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống pháp lý chưa đầy đủ và thiếu tính liên kết để hỗ trợ logistics xanh. Dù Chính phủ đã có Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hay Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có đề cập đến hạ tầng hỗ trợ phương tiện xanh, nhưng việc triển khai còn chậm và thiếu liên kết.

Chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ và các doanh nghiệp cũng gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ cũng như thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu và đủ năng lực thực hiện. Hơn nữa, nhận thức, thói quen và hạ tầng hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển phương tiện vận chuyển xanh.

Nền kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh mẽ kéo theo xu hướng tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng. Lĩnh vực logistics cũng theo đó chịu áp lực chuyển đổi sâu rộng chưa từng có, buộc doanh nghiệp phải thích ứng kịp thời để tồn tại giữa biến động. Bên cạnh đó, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã đưa ra những mục tiêu giảm phát thải chặt chẽ, như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, các sáng kiến từ Gói Fit for 55 của Liên minh châu Âu (EU) đến lộ trình giảm carbon của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)… buộc doanh nghiệp logistics phải xanh hóa quy trình và hướng tới mục tiêu Net Zero…

Để triển khai logistics xanh, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi để tồn tại. Quá trình xanh hóa logistics tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU. Các doanh nghiệp châu Âu đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể tại Việt Nam như sử dụng năng lượng mặt trời tại kho vận, văn phòng; triển khai đội xe giao nhận xanh; tích hợp công cụ số để tối ưu lộ trình, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải… Đây là chiến lược dài hạn giúp tối ưu vận hành và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, các hạn chế như hạ tầng logistics tại Việt Nam chưa đồng bộ, một số chính sách, quy định thiếu nhất quán… khiến doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi áp dụng vào thực tế. Phát triển xanh là quá trình không thể thuê ngoài mà cần sự chung tay giữa doanh nghiệp, Chính phủ và các bên liên quan. Với việc cải thiện nhận thức, nguồn lực tài chính, kỹ năng và kinh nghiệm cùng sự đồng bộ chính sách và thống nhất quan điểm, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến rất nhanh.

Điều cốt lõi là thúc đẩy mô hình logistics tích hợp đa phương thức. Cùng với đó, xây dựng hành lang chính sách và tài chính bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi chuyển đổi một cách thực chất. Một số doanh nghiệp đang triển khai mô hình mới tại Việt Nam, tích hợp nhà ga hàng hóa hàng không, kho ngoại quan, kho thường và các giải pháp giao thông kết nối xuyên biên giới. Đây là mô hình chưa phổ biến trong khu vực nhưng có tiềm năng tạo ra lợi thế cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng hành từ chính sách và tài chính. Do đó cần khuyến khích tài chính xanh và các cơ chế kết hợp công – tư, từ các tổ chức tài chính quốc tế như IFC, WB và hệ thống ngân hàng trong nước.

Có thể bạn quan tâm