Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải đạt được những yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021-2030…
Diễn đàn Mekong Startup lần thứ nhất – năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” diễn ra vào ngày 20/12 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chương trình được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương, nhà tài trợ giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng đến giảm biến đổi khí hậu.
CHÚ TRỌNG NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN
Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup vào chiều 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 cùng với hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: tham gia sáng kiến giảm phát thải khí methane toàn cầu (giảm 30% vào năm 2030); thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp với các tỉnh về định hướng sử dụng quỹ đất, giống cây trồng, nâng giá trị sử dụng nông sản. Đây mới là điều quan trọng. Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần có các chính sách đầu tư khai thác triệt để, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước”.
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại hội nghị COP27 mới đây, các nước tham gia cũng đã bàn thảo những kế hoạch nhằm cụ thể hóa những cam kết. Bởi vậy, ngành nông lâm ngư nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính.
Phó thủ tướng cho biết những kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đều được đánh giá cao trên trường quốc tế. Điều đó thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với môi trường thế giới, đồng thời xác định rằng ngoài đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 100 triệu dân, Việt Nam cũng sẽ cố gắng góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới, sẵn sàng vì mình và cộng đồng quốc tế.
Với sự góp sức của các doanh nghiệp startup tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, Phó thủ tướng khuyến khích các đơn vị, địa phương có thể luân phiên tổ chức những diễn đàn, sự kiện tương tự, không ngừng đổi mới sáng tạo, luôn có những cách làm mới.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng kinh tế của cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, lượng phát thải từ lĩnh vực lương thực, thực phẩm hiện chiếm đến 19% lượng phát thải cả nước, riêng ngành lúa gạo lên tới 48% lượng phát thải của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp. Do đó, cần ưu tiên giảm phát thải đối với ngành lúa gạo.
“Phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và cần đầu tư phù hợp với đặc thù ngành lẫn địa phương. Tuần hoàn nông nghiệp cũng là yếu tố được ngành ưu tiên, trong đó đều cao việc tái chế, tái sử dụng. Nếu xử lý tốt các phụ phẩm từ lúa gạo, thủy hải sản, trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long thì đó sẽ là tài nguyên khổng lồ, gia tăng doanh thu cho ngành, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) chia sẻ: “Diễn đàn là trăn trở của chúng tôi, làm thế nào Việt Nam trở nên mạnh giàu, chuyển đổi nông nghiệp theo xu hướng toàn cầu – chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Làm thế nào kết nối Việt Nam với thế giới và cách nào công nghệ cao có thể xâm nhập và nông nghiệp truyền thống?”.
HÓA GIẢI NHỮNG THÁCH THỨC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Mekong Startup năm nay có 3 phiên nghị sự theo chuyên đề gắn với chuỗi ngành hàng quan trọng trong khu vực được tổ chức trong ngày 20/12.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND Tỉnh Bến Tre, nhiều thách thức đối với phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, theo kịch bản năm 2050, dưới tác động chính của biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn, sáu tỉnh dọc theo bờ biển sẽ trải qua tình trạng xói lở trong khoảng từ 34 đến 44m mỗi năm, gấp đôi so với những gì đã trải qua trong 40 năm qua.
Vấn đề xâm nhập mặn: theo kịch bản phát thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4‰ và có tới 64% diện tích ảnh hưởng bởi độ mặn 1‰.
Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Công ty Mật hoa dừa Sokfarm nêu lên những trăn trở về vấn đề của cây dừa Trà Vình. Theo ông, dừa là một loại cây công nghiệp ở Việt Nam mình, 80% sản lượng dừa của Việt Nam nằm ở miền tây, và Trà Vinh là tỉnh lớn thứ hai của Việt Nam có sản lượng dừa lớn, 25.000 ha.
Khi ngập mặn xâm nhập vào đất liền, người nông dân sẽ chọn cây dừa là cây chuyển đổi canh tác. Nhưng khi độ mặn cao trên 15 phần nghìn thì lúc này trái dừa sẽ bị teo, giảm năng suất trái từ 30-70%, nông dân bị thiệt hại kinh tế rất nhiều.
Công ty Mật hoa dừa Sokfarm đã “hóa giải” thách thức này bằng cách chuyển sang hướng trồng dừa để thu hoa, mô hình này giúp tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 3-5 lần. “Từ mật hoa dừa chúng tôi có thể phát triển được hơn 30 sản phẩm, nên mỗi ha trồng dừa nông dân có thể có thu nhập từ 40- 60 triệu một tháng, tuổi thọ trung bình của cây dừa tầm 30-50 năm”, ông Ngãi chia sẻ.
Theo đại diện Vina T&T, việc chứng nhận sản phẩm rau quả của Việt Nam đang phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế. Vị này kiến nghị thực hiện các chứng nhận của riêng Việt Nam để các nước trên thế giới có thể công nhận và giảm bớt sự phụ thuộc tổ chức quốc tế.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Giám đốc công ty Thành Ngọc – Vĩnh Hoàn, đề nghị cần đào tạo kiến thức trong quản lý để hạn chế phát thải từ cá tra ra môi trường. Các start-up trong ngành cá tra cũng cần lưu ý nghiên cứu điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng kèm theo chi phí cũng cần phải được chọn lọc phù hợp.
Ông Lâm Trọng Nghĩa – Cố vấn công ty MAPA đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp, nêu vấn đề về thông tin chất lượng gạo không được cung cấp trung thực, gây nhầm lẫn và làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Một vấn đề khác đó là tình trạng lãng phí các phụ phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Ông Nghĩa đưa ra ba vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất, cần huy động các nguồn lực thông qua các cơ chế phối hợp để hình thành sàn giao dịch lúa gạo trong nước.
Thứ hai, Nhà nước cần hình thành Quỹ khởi nghiệp mang tính chất ‘đệm hỗ trợ’ khi xảy ra các tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh.
Thứ ba, không nên đặt ra những chỉ tiêu cứng nhắc về số lượng dự án khởi nghiệp hàng năm. Thay vào đó, chính sách nên hướng đến xây dựng hệ sinh thái đầy đủ để các ý tưởng khởi nghiệp tốt có cơ hội phát triển nhanh.
Diễn đàn đã chứng kiến lễ ký kết giữa các tỉnh miền Tây và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng ký kết một số nội dung phát triển công nghệ phục vụ nông nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp với FPT, tổ chức quỹ đầu tư quốc tế và đại diện câu lạc bộ doanh nghiệp.