Theo khảo sát mới nhất của Blackbox-ADNA, 6 tháng qua có tới 90% người tham gia khảo sát chọn cách cắt giảm chi tiêu để đối phó với tình hình lạm phát. Trong đó, mức tiêu dùng cho kỹ thuật số cũng giảm 9% so với năm ngoái…
Được biết, đây là cuộc khảo sát của Blackbox-ADNA với hơn 9.000 người trong độ tuổi trưởng thành đến từ 6 quốc gia khác nhau, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Theo như kết quả của khảo sát, có 25% người lựa chọn ăn tại nhà vì rẻ hơn, 25% cắt giảm việc ăn ngoài, 24% người chọn săn hàng giảm giá nhiều hơn, 12% chọn mua đồ tại các thương hiệu giá rẻ và 12% khác là giảm tiêu thụ đồ ăn mang đi.
Ngoài ra, khảo sát cũng điều tra mức độ yêu thích sử dụng các nền tảng thương mại điện tử của người tiêu dùng. Trong đó, Shopee và Lazada cùng hạng với 93%, Amazon 91%, Shein 85% và AliExpress là 73%.
Những voucher chiết khấu/khuyến mãi và các chương trình ưu đãi/thưởng được cho là những yếu tố chính thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm trực tuyến với chỉ số lần lượt là 33% và 17%. Bên cạnh đó, họ cũng thấy được khá nhiều tiện ích khác từ việc mua sắm online như tiện lợi hơn, có đa dạng mặt hàng để lựa chọn, dễ dàng tiếp cận những xu hướng thời trang mới nhất, có thể tiếp cận các mặt hàng không có sẵn ở địa phương và giá cả đôi khi lại phải chăng hơn.
Tuy nhiên, những người tiêu dùng được khảo sát cũng nêu ra một số bất cập gặp phải khi mua sắm online như sai kích cỡ (50%), giao thiếu đồ (29%), mặt hàng có vấn đề về chất lượng (27%).
Qua đó, khảo sát cho rằng, nguyên nhân dẫn đến mức tiêu thụ kỹ thuật số giảm trong năm nay nhiều khả năng là do xu thế mua sắm online giảm.
Dựa trên cơ sở cuộc khảo sát trên, “Báo cáo kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á 2022” cho thấy quy mô nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 20% so với năm trước, đạt 200 tỷ USD. Trước đó, vào năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực đã tăng 38% so với 2020, đạt 161 tỷ USD.