Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 29/5, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự. Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục họp và biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc và đơn giản hóa thủ tục để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội. Hiện nay, cả nước đã có Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, cả nước mới chỉ có 657 dự án nhà ở xã hội được triển khai, số lượng căn hoàn thành mới chỉ đạt 15,6% mục tiêu đến năm 2025.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Chính phủ đã dành gói 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội, nhưng tiến độ giải ngân rất chậm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng chậm trễ này một phần do thủ tục hành chính phức tạp, mất khoảng 2 năm để hoàn thành thủ tục cho một dự án nhà ở xã hội. Do đó, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết để đơn giản hóa các thủ tục, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian thực hiện cơ chế này dự kiến tối đa là 75 ngày, giảm khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý có 3 chính sách mới trong dự thảo Nghị quyết so với kết luận của cơ quan có thẩm quyền, gồm: xác định giá bán, giá thuê nhà ở xã hội; điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc khấu trừ nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư nhà ở xã hội.
Đại biểu Quốc hội cho rằng để các dự án nhà ở xã hội đảm bảo chất lượng, cần bổ sung trách nhiệm cơ quan chỉ định thầu vì điều này liên quan trực tiếp đến an toàn, tính mạng của người dân.