Trang chủ Thị trường Thị trường lao động Đông Nam Á biến động: Doanh nghiệp cần chiến lược mới giữ chân nhân tài

Thị trường lao động Đông Nam Á biến động: Doanh nghiệp cần chiến lược mới giữ chân nhân tài

bởi Linh

Thị trường lao động Đông Nam Á đang trải qua một quá trình biến động mạnh mẽ trong năm nay. Dữ liệu tiền lương mới nhất từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025 cho thấy những tín hiệu tích cực, không chỉ lương tăng mà dòng vốn đầu tư và sức cạnh tranh cũng tăng. Một nghiên cứu gần đây của Aon chỉ ra rằng quỹ lương tại các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục tăng trong năm 2025, với tốc độ tăng trung bình khác nhau giữa các quốc gia.

Việt Nam dự kiến dẫn đầu khu vực với mức tăng trung bình 6,7% trong năm 2025, tiếp đến là Indonesia với 6,3% và Philippines với 5,8%. Trong khi đó, Singapore chỉ tăng nhẹ 4,4% do lương cơ bản ở đảo quốc sư tử vốn dĩ đã cao và thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp, những con số này không chỉ phản ánh thực tế rằng chi phí lao động đang tăng, mà còn đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần cạnh tranh gay gắt nếu muốn thu hút nhân tài.

Quỹ lương tăng mạnh nhất trong các ngành công nghệ và sản xuất, với mức tăng trung bình từ 5,7% đến 5,8%. Đây là kết quả từ làn sóng đầu tư vào các công nghệ sản xuất tiên tiến, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ xanh.

Người lao động nhảy việc không phải chỉ vì bên ngoài có nhiều cơ hội đang chờ đón họ, mà còn vì họ có những biến chuyển trong kỳ vọng về việc làm. Họ không còn chấp nhận mức lương tăng nhỏ giọt hoặc các điều kiện làm việc cứng nhắc, ngặt nghèo, mà họ hướng đến công việc có ý nghĩa, lộ trình phát triển rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Các yếu tố khiến lương tăng bao gồm nhu cầu tăng, không đủ người và làm việc xuyên biên giới. Một trong những nguyên nhân chính khiến lương tăng là do thiếu hụt lao động có kỹ năng. Các lĩnh vực như AI, an ninh mạng, tối ưu chuỗi cung ứng và phát triển sản phẩm số đang có nhu cầu cao và chi phí tuyển dụng đắt đỏ.

Tình trạng thiếu hụt này đang buộc doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược về lương thưởng, đãi ngộ. Họ cần tuyển dụng linh hoạt, xây dựng các chương trình tái đào tạo nội bộ, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và mở các học viện số để tự phát triển nhân tài.

Việt Nam không chỉ dẫn đầu về mức tăng lương mà còn là nguồn lực thúc đẩy phía sau. Các ông lớn công nghệ như Nvidia, Samsung, Intel đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam, khiến nhu cầu về kỹ sư, nhà khoa học dữ liệu, quản lý dự án tăng vọt. Dự báo mức tăng lương trong ngành công nghệ tại Việt Nam có thể chạm ngưỡng 7,5% trong năm 2025.

Thị trường lao động Đông Nam Á đang trở nên năng động hơn, cạnh tranh hơn và đòi hỏi cao hơn bao giờ hết. Vậy nên chỉ tăng lương là chưa đủ. Thay vào đó, doanh nghiệp cần hành động nhanh và cởi mở hơn, thiết kế chính sách đãi ngộ thông minh hơn, đầu tư vào đào tạo liên tục và xây dựng văn hóa làm việc ý nghĩa nếu muốn thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu.

Có thể bạn quan tâm